Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (TVĐĐ CSC) là bệnh lý rất thời sự trong y học nói chung và trong trong chuyên ngành thần kinh nói riêng. Bệnh thường xảy ra ở những người trong độ tuổi lao động, hậu quả là làm giảm, mất khả năng lao động, ảnh hưởng nhiều tới đời sống kinh tế - xã hội.
Bệnh thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân TVĐĐ CSC trong đời sống xã hội hàng ngày và trên lâm sàng bệnh viện cũng tương đối cao, các nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh có xu hướng gia tăng.
Cho tới nay đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu về thoát vị đĩa đệm cột sống cổ về mọi phương diện, được các tác giả ở cả trong và ngoài nước thực hiện. Những nghiên cứu lâm sàng đã mô tả đặc điểm phong phú của các hội chứng, triệu chứng, chỉ ra tần xuất các triệu chứng, các hội chứng đó. Bên cạnh đó, nhiều phương pháp điều trị đã được phát triển, ứng dụng, khảo sát và đạt nhiều thành tựu to lớn.
1. Thoái hóa đĩa đệm và bệnh lý tủy cổ do cột sông
- Brad McKechnie, DC Fiacn (2006) nghiên cứu đặc điểm cột sống cổ và tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đã cho thấy: cột sống cổ có một hệ thống khớp phức tạp nhất trong cơ thể, với 37 khớp độc lập (kể cả 6 đĩa đệm cột sống.). Cột sống cổ bình thường thực hiện khoảng 600 vận động trong ngày (kể cả trong khi ngủ). Chiều cao đĩa đệm chiếm khoảng 22% chiều cao cột sống cổ. Trên 85% số bệnh nhân đau vai gáy cấp tính là do TVĐĐ CSC mà không hề có tiền sử chấn thương cổ trước đó. Gần 85% các trường hợp được cho là do vỡ đĩa đệm mềm (thoát vị nhân nhày đĩa đệm), 11% lồi đĩa đệm cứng (mỏ xương, lồi vòng sợi) và 4% là do lồi đĩa đệm mềm trung tâm.
- Gore nghiên cứu 205 bênh nhân ít nhất trong 10 năm và khẳng định: trên 1/3 số bệnh nhân có đau vai gáy mức độ vừa và nặng. Rothman cũng có giả thiết tương tự. 51% bệnh nhân khởi phát đau khi nâng vật nặng, lái xe, vận hành máy móc nặng nề, độ rung sóc cao. Nói chung đau vai gáy khởi phát đột ngột ở người trẻ hầu như là do lồi đĩa đệm. Tuổi thoát vị đĩa đệm cột sống cổ trung bình là 37, tỷ lệ mới mắc của hai giới tương đương nhau. Các đĩa đệm hay thoát vị theo thứ tự giảm dần là:
+ Nhiều nhất đĩa đệm C5/C6 tổn thương rễ C6
+ Đĩa đệm C6/C7 tổn thương rễ C7
+ Đĩa đệm C4/C5 tổn thương rễ C5
+ Đĩa đệm C3/C4 tổn thương rễ C4
+ Đĩa đệm C7/T1 tổn thương rễ C8
2. Vữa xơ động mạch và TVĐĐ CSC
- Bệnh lý tủy cổ do thoái hóa cột sống: các yếu tố mạch máu
Yếu tố mạch máu của bệnh lý tủy cổ do thoái hóa cột sống chiếm vị trí trung tâm trong các quá trình sinh lý bệnh. Tổn thương mạch máu có thể gặp bất kỳ đoạn nào từ chỗ tách khỏi động mạch đốt sống của động mạch rễ cho tới bản thân tủy sống.
Cột tủy nhận máu nuôi từ động mạch tủy trước, đó là một nhánh nối dài được tạo bởi kết nối giữa các động mạch rễ lên và xuống tận cùng. Động mạch tủy trước nuôi 2/3 trước của tủy sống. Hai động mạch tủy sau cấp máu cho các cột sau. Động mạch tủy trước nhận máu từ 2-3 động mạch trung chuyển ở vùng cổ tưới máu cho phần dưới của cột tủy cổ một cách thỏa đáng. Đoạn C5-T1 của cột tủy được nuôi dưỡng hầu như đôc lập bởi nhiều động mạch trung chuyển tủy khác nhau xuất phát từ động mạch đốt sống, chúng đi qua lỗ liên đốt theo rễ thần kinh và vào tới cột tủy. Vị trí các động mạch trung chuyển tủy sống hay đi qua để vào ống tủy là: thứ nhất ở mức C6, thứ hai là mức C3 và thứ ba là mức C4 hoặc C5
Taylor thấy rằng các bệnh nhân thoái hóa cột sống cổ có kèm theo bệnh lý tủy sống thường là các bệnh nhân có các động mạch rễ quan trọng bị chèn ép tại một số vị trí giữa động mạch đốt sống và cột tủy do mỏ xương xâm phạm vào lỗ liên đốt hoặc tổ chức xung quanh rễ thần kinh bị dày, xơ hay hyalin hóa. Xơ hóa hoặc dính là những nguyên nhân thường thấy xung quanh rễ thần kinh ở các cột sống thoái hóa. Vận động và chấn thương gây xơ trong và xung quanh lớp áo màng cứng, ngăn cản cung cấp máu cho cột tủy.
Gooding thấy tình trạng xơ hóa rễ thần kinh kèm theo những thay đổi thoái hóa của các khớp mỏm móc cũng như các khớp liên đốt khác có thể làm co các động mạch tủy bên và các nhánh của nó. Tình trạng co thắt còn có thể do căng kéo, xoắn vặn các động mạch khi vận động cột sống cổ và cũng có thể do các kích thích đau thông qua các dây thần kinh cảm giác từ khớp và đưỡng dẫn truyền thực vật. Hậu quả là co thắt mạch phản xạ và liệt tự điều chỉnh khoanh đoạn mạch máu và quay lại làm tổn thương cung cấp máu cho cột tủy. Tại một vùng đã có chèn ép thì một cơ chế như vậy có thể gây thiếu máu tủy sống và nếu nó thường xuyên xảy ra hoặc xảy ra kéo dài thì có thể gây nên bệnh lý tủy sống. Cột tủy cũng như các rễ thần kinh bị chèn ép có thể phải chịu đựng thêm tình trạng thiếu máu cùng với tình trạng chèn ép. Các tĩnh mạch rễ thành mảnh, mỏng manh là dễ bị tổn thương nhất đối với chấn thương và chèn ép. Thuyên tắc các tĩnh mạch bán phần hoặc hoàn toàn làm tăng áp lực tĩnh mạch trong bản thân cột tủy và hậu qủa là phù nề và có thể thiếu máu do giảm lưu lượng máu và ứ trệ. Chèn ép và thiếu máu là những hậu quả bổ xung gây tổn thương nặng nề hơn cho cột tủy, trong khi nếu chúng tác động riêng rẽ thì tổn thương chỉ là tối thiểu. Các kết quả thực nghiệm cho thấy chèn ép ít nhất 40% tại một mức là cần thiết để có biểu hiện các triệu chứng thần kinh tối thiểu ở động vật thực nghiệm.
- Yếu tố nguy cơ vữa xơ động mạch có thúc đẩy thoát vị đĩa đệm?
Do đặc điểm nuôi dưỡng của đĩa đệm thông qua phương thức thẩm thấu là chính vì vậy sự nuôi dưỡng được đảm bảo rất kém. Đã thế, đĩa đệm luôn phải mang tải, các mạch máu khi đó bị chèn ép nên tuần hoàn càng kém hơn. Qua đó quá trình thoái hóa đĩa đệm càng có điều kiện tiến triển. Ta thấy một điều chắc chắn là tính hoàn thiện của các mạch máu nuôi dưỡng cột sống có vai trò rất lớn tới quá trình thoái hóa đĩa đệm. Trong trường hợp động mạch bị vữa xơ, quá trình nuôi dưỡng càng tồi tệ và đĩa đệm thoái hóa càng mạnh, càng tạo tiền đề cho thoát vị. Vì vậy vấn đề được đặt ra là liệu các yếu tố nguy cơ của vữa xơ động mạch có ảnh hưởng ở chừng mực nào đó tới khả năng bị thoát vị cũng như độ nặng lâm sàng của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, và khả năng dự phòng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thông qua ngăn ngừa và điều trị có hiệu quả các yếu tố nguy cơ vữa xơ động mạch có ý nghĩa như thế nào trong thực tế?
Gần đây, các nhà nghiên cứu Mỹ đã đề cập đến vai trò của cholesterol toàn phần và triglycerid trong bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Các bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa lipid thường có bảng lâm sàng nặng nề hơn các bệnh nhân khác. Như vậy còn các yếu tố khác như: tuổi, trọng lượng cơ thể, nồng độ đường huyết, chỉ số huyết áp... ảnh hưởng như thế nào tới tình trạng lâm sàng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, điều này còn là dấu hỏi lớn.
3. Kết luận
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cũng như cột sống thắt lưng cần được nghiên cứu sâu và rộng hơn trong thời gian tới về các hướng:
- Vai trò của vữa xơ động mạch, rối loạn chuyển hóa trong thoát vị đĩa đệm cột sống. Định hướng tới kế hoạch bổ xung các biện pháp dự phòng thoát vị đĩa đệm cột sống.
- Mối liên quan giữa các chất chỉ thị sinh học viêm với mức độ nặng lâm sàng của thoát vị đĩa đệm cột sống, nhằm phục vụ mục tiêu đánh giá mức độ nặng nề lâm sàng của bệnh và theo dõi kết quả điều trị bệnh.
Sông Ngân