Chào bạn!
Đĩa đệm là tổ chức sụn (bao gồm tế bào sụn, các sợi colagen và chất cơ bản) nằm giữa các đốt sống có tác dụng điều chỉnh sự đàn hồi và chịu lực cho cột sống. Bình thường các đĩa đệm nằm gọn trong mặt tiếp xúc giữa hai đốt sống nhờ sự hoàn chỉnh của các hệ thống dây chằng dọc trước, dọc sau và hai bên cột sống. Dưới tác động của áp lực (mang vác nặng, gắng sức, chấn thương, sai tư thế, tật gù vẹo cột sống ...) có thể còn kèm theo tình trạng suy yếu của các hệ thống dây chằng (do chấn thương, do thoái hóa, do viêm nhiễm, do bẩm sinh...) làm cho đĩa đệm không còn ở đúng vị trí, gọi là Thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm L3 L4 có nghĩa là đĩa đệm giữa đốt sống thắt lưng thứ 3 và thứ 4 bị trượt khỏi vị trí nguyên thủy của nó. Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào việc đĩa đệm trật ra trước, sau hay sang bên, trật hoàn toàn hay một phần... nên có thể chỉ đau ít, đau vừa hay đau nhiều, đau một bên hay hai bên. Đặc biệt khi đĩa đệm bị thoát vị ra phía sau có thể chèn ép vào các nhánh của dây thần kinh tọa, gây đau thần kinh toạ. Việc áp dụng các biện pháp điều trị phải tùy thuộc vào trạng thái bệnh lý của đĩa đệm. Nếu chỉ chụp Xquang thường rất khó để có một kết luận chắc chắn, cũng không thể đánh giá rõ thương tổn của đĩa đệm. Hiện nay ở các bệnh viện lớn có thể chụp đĩa đệm có cản quang, chụp cắt lớp điện toán (CT scanner) hay Cộng hưởng từ (MRI) nhờ đó có thể xác định rõ các tổn thương của đĩa đệm, dây chằng hay cột sống, từ đó mới có những giải pháp tốt nhất cho từng trường hợp cụ thể. Tùy từng trường hợp mà có thể điều trị nội khoa (thuốc giảm đau, thuốc chống viêm giảm đau, vật lý trị liệu ...) hay điều trị ngoại khoa (kéo nắn, phẫu thuật đặt lại đĩa đệm và gia cố các dây chằng hay lấy bỏ đĩa đệm...). Em còn trẻ, nếu các biện pháp điều trị nội khoa thông thường chưa đạt kết quả, nên đến các bệnh viện lớn (ở Hà nội, TP Hồ Chí Minh hay TP. Huế) để được các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra đầy đủ, từ đó mới có giải pháp thích hợp cho tình trạng bệnh của em.
Chúc em sức khỏe
Chuyên gia xương khớp