Cam tích (còi xương) là chứng bệnh thường xảy ra với trẻ em dưới 5 tuổi nhưng cũng có thể gặp ở những lứa tuổi khác, kể cả người già.


Còi xương là bệnh chứng có liên quan đến hoạt động tiêu hóa thất thường do tích trệ đồ ăn, trùng tích nên gọi là cam tích. Nếu không được trị liệu, bệnh có thể tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 54% trường hợp tử vong của trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển có liên quan đến thiếu dinh dưỡng mức độ vừa và nhẹ.
 

Nên khám dinh dưỡng cho trẻ để phòng chống bệnh còi xương


Nhiều nguyên nhân

Nguyên nhân thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi là cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con, cho ăn giặm không đúng cách, không biết lựa chọn thực phẩm phù hợp, cho ăn quá ít lần trong ngày, trẻ không được bú sữa mẹ, kiêng khem quá đáng khi mắc bệnh. Trẻ biếng ăn cũng có thể do thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng.

Khi bệnh, trẻ thường biếng ăn. Những kháng sinh được dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng vừa có tác động diệt vi trùng gây bệnh vừa diệt bớt các vi khuẩn thường trú có lợi cho cơ thể tại đường ruột, làm giảm quá trình lên men thức ăn, dẫn đến biếng ăn và kém hấp thu…

Triệu chứng bệnh còi xương là trẻ đứng cân kéo dài hay sụt cân. Trẻ mệt mỏi, không hoạt bát, hay quấy khóc, chán ăn, ít ngủ, hay bệnh, chậm biết bò trườn, đi đứng, chậm mọc răng…

Chế độ nuôi dưỡng rất quan trọng

Để phòng bệnh cam tích, chế độ nuôi dưỡng là rất quan trọng ngay từ những ngày đầu khi trẻ ăn giặm. Xin giới thiệu một số món ăn, nước uống bổ dưỡng, chữa bệnh cam tích ở trẻ:

- Cháo ý dĩ: Ý dĩ 50 g, cơm cháy 30 g, hạt sen 50 g, đường 30 g. Ý dĩ xay thành bột. Cơm cháy loại ngon phơi khô, sao vàng xay thành bột. Hạt sen ngâm với nước chanh một đêm, hôm sau vớt ra phơi khô tán bột. Tất cả cho vào nồi, nước vừa đủ, đun trên lửa nhỏ. Cháo chín cho đường vào khuấy đều. Cho trẻ ăn lúc còn nóng, chia 3 lần trong ngày, dùng 10-20 ngày.

- Cháo thịt cóc: Thịt cóc 5 g, củ mài 20 g, gạo tẻ 50 g, gạo nếp 20 g, muối vừa đủ. Chọn cóc vàng, chỉ lấy mình và đùi, rửa nhiều lần bằng nước cho sạch, nướng vàng, tán thành bột. Củ mài sấy khô, tán thành bột. Gạo tẻ và gạo nếp xay thành bột. Cho bột củ mài, bột gạo tẻ vào nồi, thêm nước vừa đủ, đun trên lửa nhỏ. Cháo chín cho bột thịt cóc vào khuấy đều, khi sôi lại là được. Ngày ăn 3 lần, dùng trong nhiều ngày.

- Cháo củ mài: Củ mài 20 g, gạo 50 g, biển đậu 10 g, trứng gà 1 quả, đường trắng 20 g. Củ mài sấy khô. Gạo, biển đậu xay thành bột. Trứng gà luộc bóc lấy lòng đỏ, cho vào bột gạo giằm nát, trộn đều. Tất cả cho vào nồi, thêm 200 ml nước đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín cho đường khuấy đều. Cho trẻ ăn ngày 1 lần, dùng liên tục 15 ngày.
- Cháo ếch: Ếch 1 con, cà rốt 50 g, gạo 50 g, mắm muối vừa đủ. Ếch làm thịt bỏ đầu, nội tạng, bàn chân, ướp mắm muối trong 20 phút. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch mài thành bột. Cho gạo và ếch vào ninh nhừ thành cháo, trước khi ăn cho cà rốt vào khuấy đều, nấu sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần, dùng 5-10 ngày liền.

- Cháo chim cút: Chim cút 1 con, gạo nếp 30 g, gạo tẻ 50 g, vỏ quýt khô 30 g, mắm muối vừa đủ. Chim cút làm sạch chỉ lấy phần thịt, ướp mắm muối trong 20 phút. Vỏ quýt tán thành bột cho vào bụng chim cút, cùng gạo tẻ, gạo nếp, nước vừa đủ ninh thành cháo. Cho trẻ ăn ngày 1 lần, dùng liên tục 5-10 ngày.

- Bột chữa cam: Gạo nếp 200 g, củ mài 50 g, củ súng 15 g, ý dĩ 10 g, sơn tra 10 g, trần bì 10 g. Gạo nếp ngâm ngập nước một đêm, vớt ra để ráo rồi rang trên lửa nhỏ cho vàng. Các thứ khác đều sấy khô, tất cả tán thành bột mịn. Cho trẻ uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê đầy, thêm chút đường hòa vào nước đun sôi để nguội. Cần uống liền trong 1 tháng.

- Cá lóc hấp: Cá lóc 1 con khoảng 250 g, tỏi 2 tép vừa, bột gia vị vừa đủ. Cá lóc làm sạch bỏ ruột. Tỏi giã nhỏ cùng bột ngọt, ướp cá, hấp cách thủy. Ăn thịt cá và nước ngày 1 lần, dùng 5-10 ngày liền.

Phòng trẻ suy dinh dưỡng

Nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Do hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu nên thức ăn phải nấu nhừ. Cần cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả chín; không nên ăn quá nhiều chất béo, ngọt, tanh, các đồ sống, lạnh để tránh rối loạn tiêu hóa dẫn đến các chứng cam. Cho trẻ ăn, ngủ đúng giờ…

Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và kéo dài 18-24 tháng bởi sữa mẹ luôn là thức ăn đầu đời hoàn hảo nhất. Tập cho trẻ ăn giặm khi bắt đầu 4-6 tháng tuổi. Cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (bột, đường, đạm, béo), duy trì sữa mẹ trong thời gian dưới 2 tuổi. Nếu không có sữa mẹ đủ thì lựa chọn loại sữa thay thế.

Nguồn: sưu tầm